Chủ tịch Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) Mark Liu hôm 30.3 cho biết, nhu cầu điện tử tiêu dùng đang có dấu hiệu chậm lại do bất ổn địa chính trị và các đợt đóng cửa vì dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
Theo ông Liu, xu hướng suy thoái đang nổi lên ở các lĩnh vực như “điện thoại thông minh, máy tính cá nhân (PC) và TV, đặc biệt là ở Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới”. Ông Liu cũng cảnh báo chi phí linh kiện, vật liệu đang tăng mạnh, điều này đẩy chi phí sản xuất của các công ty công nghệ và chip lên cao.
“Áp lực về chi phí cuối cùng có thể được chuyển sang cho người dùng. Mọi người trong ngành đều lo về việc chi phí tăng trên toàn bộ chuỗi cung ứng tổng thể. Ngành bán dẫn đã và đang trực tiếp trải qua sự gia tăng chi phí đó”, ông Liu nói, đồng thời nhấn mạnh rằng ngành bán dẫn cũng quan ngại về những bất ổn kinh tế vĩ mô trong năm nay.
Tuy nhiên, TSMC nhiều khả năng sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng và chi tiêu vốn cho năm 2022. “Bất chấp sự chậm lại ở một số lĩnh vực, chúng tôi vẫn nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ trong ứng dụng ô tô, máy tính hiệu suất cao và kết nối internet của các thiết bị liên quan. Với năng lực hiện tại, chúng tôi vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của tất cả khách hàng. Chúng tôi sẽ sắp xếp lại và ưu tiên đơn hàng cho những khu vực có nhu cầu tốt”.
Phát biểu của Chủ tịch TSMC được đưa ra vào thời điểm các tổ chức toàn cầu đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến cắt giảm dự báo toàn cầu vào tháng 4.2022 do tình hình chiến sự Nga – Ukraine và bất ổn kinh tế vĩ mô ở một số quốc gia. Trước đó, IMF ước tính tăng trưởng toàn cầu là 4,4% trong năm nay. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho năm 2022, thấp nhất trong 30 năm. Theo Nikkei đưa tin hôm 28.3, Apple cũng giảm đơn đặt hàng cho iPhone SE mới ra mắt gần đây.
Giống như các nhà sản xuất chip khác, TSMC đã phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh thiếu hụt chất bán dẫn chưa từng thấy bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 2020. TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là thước đo nhu cầu điện tử toàn cầu. Ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan là nền kinh tế bán dẫn lớn thứ hai thế giới tính theo doanh thu, chỉ sau Mỹ.